Đời sống của một hành giả (04/10/2019)
Trình bày: HT. Giác Hà
Ngày đăng: Chủ Nhật, 16:07 06-10-2019
Nội dung chính:
Mở đầu bài giảng vào buổi sáng, HT. Giác Hà cho rằng HT. Giác Giới đã đem đến đại chúng bài pháp có nội dung trong kinh, còn HT. Giác Toàn đã hướng các hành giả về giá trị của bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, nên hôm nay Hòa thượng xin gửi đến đại chúng những lời chia sẻ về đời sống đối với một vị tu tập, vấn đề hành đạo, hướng dẫn và thâu nhận đệ tử… Ngài cho rằng, mỗi vị xuất gia trong đời sống cần phải làm sao cho có sự khéo léo để ngoài việc tu học, còn mở rộng đạo tràng, đạo tạo các thế hệ kế thừa sau này. Theo hòa thượng, hồi xưa người xuất gia trẻ tuổi rất ít, đa số là lớn tuổi. Nhưng ngày nay số lượng tăng sĩ trẻ ngày càng đông, điều này một phần do sự uyển chuyển và sự quan tâm của chư Tôn đức giáo phẩm lãnh đạo Hệ phái. Tuy nhiên hòa thượng cho rằng, số lượng tăng ni ngày càng nhiều nhưng đó chỉ xét về mặt hình thức, còn nội tâm chưa chắc đã lớn. Chính vì thế mỗi chư Tôn đức khi được Giáo hội cho ra hành đạo, trụ trì thì phải biết làm sao hướng dẫn, đào tạo để các thế hệ kế tiếp có số lượng nhưng chất lượng vẫn không đổi. Vị trụ trì cần phải biết khi nhận một người vô tu học thì phải xem mình có dạy được hay không? Có nhiếp chúng được hay không? Mình có thương người đệ tử, có chí tâm day bảo hay không? Có xem người đó như người con, người thân thật sự của mình hay không?... Nếu làm được những điều này thì mới có thể có các thế hệ kế tục cho đạo mạch Phật pháp tăng già. Còn như ngược lại thì tre già nhưng măng không có mọc lại. Mà bản thân mỗi vị nếu như trong đời sống hành đạo mà không làm được việc tạo ra các thế hệ kế tục thì phải cảm thấy mình chưa hoàn thành trách nhiệm mà Tổ thầy giao phó. Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng nhấn mạnh, vị trụ trì cần phải hiểu, chùa là của tăng đoàn, của giáo hội chứ không phải của bản thân mình. Vì thế những người theo mình tu học, họ có thể xem xét tư cách và cách làm việc, sự hướng dẫn của mình có đúng chánh pháp hay không? Chứ không phải mình là trụ trì, lớn nhất bắt mọi người phải theo ý của mình. Đó là cách suy nghĩ sai lầm và dễ làm gây tổn hại tới sự phát triển của con đường đạo. Mỗi vị khi được giao trọng trách trụ trì, cần phải nắm được tâm tư của người đệ tử mình, của đại chúng đang nương vào mình tu tập, phải có sự uyển chuyển, thương đệ tử… có như vậy thì mới khiến cho đạo tràng của Tịnh xá ngày càng vững mạnh. Chứ nếu bản thân vị trụ trì có những việc làm, lời nói khiến cho những người đệ tử hay những vị về nương tu học cảm thấy không yên ổn, thì những vị đó dễ thoái bồ đề tâm, xa rời đạo, làm cho đại chúng không ổn định. Riêng các vị tỳ kheo còn trẻ, hòa thượng cũng có nhiều ưu tư. Hòa thượng cho rằng, các vị cần phải quý trọng chiếc y mà mình thọ nhận. Không thể, chư Tôn đức giáo phẩm trao truyền cho y áo, nhưng về tịnh xá một thời gian thì cởi ra mặc bộ đồ vào. Nếu làm vậy thì bản thân không quý trong chiếc y được thọ nhận, bản thân sống không trung thực, giả dối với Tổ thầy… Cho nên, mỗi vị khi đi xuất gia bỏ tất cả để nhận chiếc y vàng giải thoát, tại sao còn muốn quay qua mặc đồ. Từ đó, Hòa thượng nhấn mạnh, giáo pháp chỉ là hướng dẫn, còn lại mọi cái đều do việc hành động của bản thân mỗi người, các vị Tăng trẻ phải để ý điều này. Mọi cái đều do mình tạo, nếu trẻ mà không lo học, không lo tu, sau này gặp những chướng duyên thì không ai có thể cứu đỡ cho mình được. Giống như một người không biết bắn súng mà cho ra chỉ huy chiến trận, chắc chắn những người lính đó chỉ có chết mà thôi. Còn vị tu sĩ, trẻ không lo tu, lo học, lớn lên ra làm trụ trì, không biết gì hết thì chắc chắn khó mà thành công trong con đường hành đạo. Vì thế mỗi vị Tăng sĩ trẻ cần phải có trách nhiệm với việc học hành của mình, y áo nghiêm túc, nghe lời thầy Tổ, còn nếu chỉ lo ăn chơi, không lo học thì chỉ có thất bại, dễ bị dòng đời cuốn ngược trở lại mà thôi.
Lượt nghe: 449